|
Luật sư bàn luận về vụ việc tàu biển va chạm phà khách: Ai sẽ bồi thường thiệt hại tài sản của người dân?
|
Cụ thể, khoảng 14 giờ ngày 6/8 trên tuyến sông Vàm Nao (thủy phận bờ phải xã Tân Trung, huyện Phú Tân, An Giang; bờ trái xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang) tàu biển mang số hiệu 9065106 quốc tịch Thái Lan, do ông Phitsanu Kasamesang là Thuyền trưởng, xuất phát từ xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang đi TP Cần Thơ.
Khi đến thủy phận nêu trên thì xảy ra va chạm với phà khách số hiệu AG-23293 do Thuyền trưởng Châu Trọng Lực điều khiển đi từ bờ xã Tân Trung.
Tại thời điểm va chạm, trên phà sắt có 02 xe ô tô tải, 6 xe mô tô, 01 xe ba gác và khoảng 10 người. Sau va chạm, phà tiếp tục di chuyển vào bến tại ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Hội Đông.
Cú va chạm không thiệt hại về người nhưng có một xe ô tô tải rơi xuống sông, 01 xe ô tô tải khác nứt kính đầu xe; 01 xe ba gác hư hỏng nặng và 02 người bị thương.
|
Toàn cảnh vụ việc tàu biển va chạm với phà khách ngày 6/8 trên sông Vàm Nao (An Giang).
|
Cho đến ngày 7/8, theo cơ quan chức năng thì vẫn chưa trục vớt được xe ô tô tải lên bờ. Cùng với đó, qua kiểm tra thuyền trưởng tàu biển và phà khách không vi phạm quy định về nồng độ cồn; Bến khách ngang sông có quyết định công bố hoạt động nhưng không được phép chở ô tô theo quy định.
Tuy nhiên, phương tiện phà khách số hiệu AG-23293 khi lưu thông chỉ có Thuyền trưởng, không có máy trưởng là chưa đúng quy định.
|
Luật sư Dương Lê Ước An - Công ty Luật hợp danh Đại An Phát.
|
Một thông tin đang được dư luận quan tâm đó là việc các phương tiện như ô tô, xe máy bị rơi xuống sông thì chủ các phương tiện này có được đền bù không và cá nhân hay tổ chức nào sẽ bồi hoàn (nếu có)?
Bàn luận về nội dung này, Luật sư Dương Lê Ước An - Công ty Luật hợp danh Đại An Phát nêu ý kiến: “Có 2 vấn đề cần làm rõ, đó là yếu tố lỗi thuộc về tàu chở hàng hay phà chở khách.
Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc tìm nguyên nhân, trong quá trình di chuyển trên sông trường hợp tàu chở hàng hay phà chở khách chạy quá tốc độ, không đúng đường hướng theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004.
Khi cơ quan chứng minh được lỗi thuộc về bên nào thì khi đó mới biết được trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Và để xác định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 589- 591 Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Trường hợp cơ quan chức năng xác định được rằng bên nào bị lỗi, bên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu trường hợp tàu thuyền mua bảo hiểm là những thiệt hại về con người, tài sản thì cơ quan bảo hiểm sẽ đứng ra bồi thường thiệt hại sau đó bên gây thiệt hại sẽ hoàn lại cho bên cơ quan bảo hiểm”.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin khi sự việc có diễn biến mới.