Vụ lừa chạy vào ngành công an: Xuất hiện chứng cứ mới
(PLO)- Các chứng cứ chưa được xem xét ở cấp sơ thẩm và không thể làm rõ tại phiên phúc thẩm nên tòa tuyên hủy án để điều tra lại.

Ngày 29-3, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên hủy án vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra xét xử lại. Bị cáo trong vụ án là Trịnh Bích Thuận (sinh năm 1975 tại Thanh Hóa, ngụ tại quận 5). 

HĐXX nhận thấy trong quá trình xét xử xuất hiện các chứng cứ chưa được xem xét ở cấp sơ thẩm mà không thể làm rõ tại phiên phúc thẩm. Vì vậy cần phải huỷ án để điều tra làm rõ.

Trước đó, bị cáo Thuận kháng cáo không đồng ý với án sơ thẩm của TAND quận 8 về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại toà, luật sư nêu về tố tụng ban đầu các cơ quan tố tụng đã nhiều lần quyết định không khởi tố vụ án, bị can từ tháng 5-2017 đến mãi hơn hai năm sau lại ra quyết định khởi tố, truy tố...

Vụ lừa chạy vào ngành công an: Xuất hiện chứng cứ mới  - ảnh 1
Bị cáo Thuận sau phiên xử phúc thẩm. Ảnh: H.Y

Đồng thời, con trai của bị cáo Thuận cung cấp một số cuốn sổ theo dõi hồ sơ và các biên nhận tiền riêng lẻ. Trong đó, tất cả các biên nhận tiền đều có chữ ký của những người làm việc trong ngành công an.

Đặc biệt, có những giấy biên nhận tiền có nội dung liên quan đến việc giúp được làm việc trong ngành công an hoàn toàn trùng khớp với lời khai của bị cáo tại phiên tòa hôm nay.

Ngoài ra, bị cáo này cho rằng còn có các file ghi âm với công an về việc vòi tiền, chạy án.

Bị cáo Thuận bị bắt tạm giam từ ngày 21-2-2020. Xử sơ thẩm tháng 11-2020, TAND quận 8 tuyên phạt bảy năm sáu tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo bản án, năm 2012, ông VMT có nguyện vọng muốn con trai phục vụ lâu dài cho ngành công an. Tháng 10-2012, ông T. được bạn giới thiệu với Thuận. Theo người này, Thuận có khả năng lo cho con ông T. vào được biên chế ngành công an.

Sáng 7-10-2012, ông T. cùng bạn đến nhà Thuận tại quận 8 để nói chuyện. Mặc dù biết mình không có khả năng lo cũng như không quen biết bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có thể làm được chuyện ông T cần nhưng Thuận vẫn cam kết lo được việc trên trong vòng 1 năm với giá 200 triệu đồng.

Tin tưởng, ông T. đã đưa cho Thuận số tiền 100 triệu đồng. Sau đó, ông T. tiếp tục đưa đủ số còn lại.

Đến ngày 27-2-2013, con ô T. đi nghĩa vụ công an tại Bộ Công an. Thuận lại tiếp tục nói gia đình đưa thêm tiền để lo cho con đi học. Tính đến ngày 1-2-2016, gia đình ông T. đã giao cho Thuận 370 triệu đồng để nhờ lo cho con vào biên chế ngành công an.

Tuy nhiên, nhận tiền, Thuận không làm liên hệ hay chuyển tiền cho bất kỳ ai mà xài cá nhân. Ngày 16-3-2016, con ông T xuất ngũ nên ông điện thoại đòi lại tiền.

Thuận trả lại được 139 triệu đồng. Sau đó, ông T, gọi điện thoại nhiều lần liên hệ không được. Sau này, ông T, biết Thuận dọn nhà từ quận 8 qua quận 5 nhằm trốn tránh mình nên đã làm đơn tố cáo công an.

HOÀNG YẾN