Trả hồ sơ vụ nữ giám đốc tổ chức cho hàng chục người xuất cảnh
(PLO)- Các đối tượng sử dụng hàng trăm tài liệu giả của cơ quan, tổ chức nhằm lừa dối Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM để xin thị thực cho hàng chục người xuất cảnh trái phép.
Mới đây, TAND TP.HCM đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ nhiều vấn đề vụ Trần Thị Lệ Oanh (sinh năm 1979) cùng đồng phạm bị truy tố về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép và sử dụng, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. 

Đây là lần thứ hai toà đưa ra quyết định trên. Trước đó, toà cũng từng lên lịch xử vụ án tuy nhiên sau đó đã hoãn. Vụ án có nhiều người liên quan. Kết quả trả hồ sơ lần một, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. 

VKSND Tối cao truy tố Oanh (Giám đốc Công ty TNHH TV Du học, du lịch Châu Đại Dương) theo điểm a, b khoản 3 Điều 348 BLHS tức tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép đối với 11 người trở lên và thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên.

Trả hồ sơ vụ nữ giám đốc tổ chức cho hàng chục người xuất cảnh - ảnh 1
TAND  TP.HCM  lần thứ hai trả hồ sơ vụ án để yêu cầu điều tra bổ sung. Ảnh: H.Y

Đồng thời, Oanh còn bị truy tố điểm b khoản 3 Điều 341 BLHS sử dụng con dấu tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Bốn đồng phạm khác là Nguyễn Thị Mỹ Phượng, Vũ Hồng Tiến, Lê Văn Đại và Nguyễn Văn Tiến.

Cáo trạng nêu năm 2018, Oanh trực tiếp thỏa thuận với 33 người và thông qua Phượng nhận làm hồ sơ giả để xin thị thực Úc cho bảy người. 
Để được cấp thị thực, Oanh đã sử dụng 212 tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để lừa dối Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM. Kết quả, 28 người đã được cấp thị thực. Trong đó, 20 người đã xuất cảnh trái phép tại cửa khẩu cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thu lợi bất chính hơn 941 triệu đồng.
Phượng là đồng phạm với Oanh về việc tổ chức cho hai người xuất cảnh trái phép tại Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, Phượng sử dụng 69 tài liệu giả của cơ quan, tổ chức để cung cấp cho Oanh và các đối tượng khác sử dụng để lừa dối Tổng lãnh sự Úc để được cấp thị thực, thu lợi bất chính hơn 22 triệu đồng.
Tiến mua 89 con dấu mang tên một số doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề, bệnh viện. Viện Khoa học hình sự Bộ Công an giám định và kết luận 36/89 con dấu Tiến mua là dấu giả, còn lại 53/89 con dấu do không thu thập được mẫu so sánh nên không có căn cứ giám định. 
Tiến sử dụng 20/89 con dấu giả để làm ra 160 tài liệu giả của 20 cơ quan, tổ chức, cung cấp cho Oanh để bổ sung vào hồ sơ xin thị thực Úc cho người khác, thu lợi bất chính 54 triệu đồng.
Đại là người đề nghị Tiến làm giả 234 con dấu mang tên các doanh nghiệp, ngân hàng, bệnh viện, công an phường, công an quận, UBND phường, UBND quận, phòng tư pháp để Đại sử dụng làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức cung cấp cho Phượng. 
Đại đã sử dụng 30/234 con dấu giả để làm ra 104 tài liệu giả cung cấp cho Phượng để bổ sung vào các hồ sơ thị thực cho người khác. Số tiền Đại thu lợi bất chính là hơn 127 triệu đồng, Tiến là 43 triệu đồng.
HOÀNG YẾN