(PL)- Do có con thứ tư vào tháng 11-2019 mà một đội phó thuộc một đội quản lý nhà nước ở TP.HCM đã phải nhận hai quyết định kỷ luật cảnh cáo. 

Nếu quyết định kỷ luật đảng viên dựa vào Quy định 102/2017 của Ban chấp hành Trung ương thì quyết định kỷ luật công chức dựa theo Nghị định 34/2011Có thể thấy gì từ trường hợp vi phạm này mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ảnh trên số báo ngày 8-10?

Theo Pháp lệnh Dân số 2003 đã được sửa đổi thì mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền và nghĩa vụ sinh một hoặc hai con (trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định). Trên cơ sở đó, Nghị định 114/2006 (quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em) có quy định việc xử lý vi phạm về số con. Với nghị định này, đảng viên sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng; cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ…

Về mặt đảng, Điều 27 Quy định 102-QĐ/TW dựa theo số lần sinh con (trừ những trường hợp pháp luật có quy định khác) để quy định mức kỷ luật nhẹ, nặng đối với đảng viên vi phạm. Theo đó, đảng viên sinh con thứ ba sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách (khoản 1); đảng viên sinh con thứ tư sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức nếu có chức vụ (khoản 2)…

Mơ hồ một quy định kỷ luật công chức - ảnh 1
Thực hiện đúng Pháp lệnh Dân số để trẻ em được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Ảnh: TRẦN NGỌC

Điều đáng nói là các nghị định quy định việc kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức lại không có sự rõ ràng như quy định nêu trên của Điều 27 Quy định 102-QĐ/TW.

Đơn cử, theo Nghị định 34/2011 thì mức khiển trách dành cho công chức vi phạm “quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí… và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác” (khoản 7 Điều 9)…

Cùng với đó, mức cảnh cáo dành cho công chức “vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kỷ luật lao động; bình đẳng giới… và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật” (khoản 8 Điều 10).

 

Tương tự, việc kỷ luật “khiển trách”, “cảnh cáo” đối với viên chức cũng được quy định tựa như vậy.

 

Như thế, có phải là nếu sinh con thứ ba thì công chức, viên chức sẽ bị xử lý kỷ luật khiển trách; sinh con thứ tư thì bị cảnh cáo? Không thể gật đầu ngay được do sự mơ hồ của các quy định nêu trên.

Bởi lẽ không thể cho rằng Pháp lệnh Dân số chính là “các quy định khác của pháp luật liên quan đến công tác” của tất cả công chức, viên chức nên hễ sinh con thứ ba thì mọi công chức, viên chức đều bị kỷ luật khiển trách. Tiếp nữa, khi không có văn bản giải thích vi phạm như thế nào thì bị xem là ở mức độ nghiêm trọng thì không có căn cứ pháp lý nào để quy kết công chức, viên chức sinh con thứ tư là vi phạm ở mức độ nghiêm trọng để phải bị kỷ luật cảnh cáo.

Thêm một lưu ý khác, Nghị định 114/2006 có đề ra yêu cầu phải chế tài pháp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên đã hết hiệu lực thi hành từ lâu (cuối năm 2013). Các nghị định thay thế để quy định việc xử phạt về y tế (trong đó có quy định việc xử lý các vi phạm về dân số) không xác định việc sinh con thứ ba trở lên là hành vi vi phạm pháp luật và cũng không còn đề cập đến việc xử lý các trường hợp này.

Hiện tại, Nghị định 112/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức (thay thế Nghị định 34/2011 và nghị định cũ xử lý kỷ luật viên chức) đã có thay đổi cho rõ hơn chút nhưng nếu có xảy ra trường hợp giống như người đội phó nêu trên thì xem chừng không thể xử lý một cách thuyết phục. Theo nghị định này, hình thức xử lý kỷ luật được dựa theo loại vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Chẳng hạn, hình thức cảnh cáo áp dụng đối với trường hợp đã bị xử lý khiển trách mà còn tái phạm; vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng. Như thế, nếu sinh con thứ tư khi việc kỷ luật khiển trách do sinh con thứ ba trước đó đã được xóa nên không bị xem là tái phạm thì e là không có cơ sở để xử lý cảnh cáo. Còn như ghép trường hợp sinh con thứ tư đó là “vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng” với cách định nghĩa của Nghị định 112/2020 “là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác” thì cũng e là không thuận tai, không thỏa đáng.

Theo Nghị định 112/2020, đã bị xử lý kỷ luật đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng. Làm sao dễ dàng áp dụng nguyên tắc “tương xứng” này được nếu Nghị định 112/2020 không có sự định lượng tựa như Quy định 102-QĐ/TW để bảo đảm việc xử lý có đủ căn cứ pháp lý? Cùng chờ Bộ Nội vụ có văn bản tính toán phù hợp để tạo được sự thống nhất trong thực thi, tránh gây oan sai.

Trở lại trường hợp của người đội phó sinh con thứ tư, khi điều khoản xử lý kỷ luật người này còn nhiều nội dung chưa rõ (nhất là không có cơ sở để xác định đó là vi phạm có mức độ nghiêm trọng theo yêu cầu của khoản 8 Điều 10 Nghị định 34/2011) thì sở chủ quản có nên xử lý cảnh cáo? Theo chúng tôi thì rất không nên. Hãy cùng chờ thêm một điều chỉnh hợp lý hơn từ sở này vậy.

NGUYÊN THY