Hồi hộp với cây da hơn trăm tuổi bị nghiêng
(PL)- Các hộ dân bị ảnh hưởng đề nghị chặt cây nhưng UBND TP Sa Đéc cho rằng đây là cây cần bảo tồn nên sẽ tính toán việc di dời người dân.
 

Theo phản ánh của ông Nguyễn Hoàng Sa, trong khuôn viên đất của gia đình ông được cấp giấy đỏ tại 29 Phan Châu Trinh, khóm 1, phường 1, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) có một cây da hơn 100 tuổi, chiều cao hơn 25 m, đường kính hơn 3 m.

Khổ vì cây thuộc diện bảo tồn

Tuy nhiên, một cơn bão năm 1985 khiến cây đã bị nghiêng và đè lên nhà ông, bên ngoài cây vẫn sống nhưng thân gỗ bên trong đã mục rỗng. Nhận thấy tình trạng cây da ngày càng nguy hiểm nên gia đình ông nhiều lần gửi đơn tới các cấp chính quyền nhưng vẫn không được giải quyết.

Đỉnh điểm là ngày 3-8-2019, một cơn giông lốc đi qua khiến cây bị bật gốc, phần lớn trọng lượng của cây đè lên và gây sập đổ một góc nhà ông và nứt tường các nhà lân cận. Ông Sa và năm hộ dân lân cận đã làm đơn khẩn cấp gửi đến chính quyền địa phương đề nghị được hạ đốn cây hoặc di dời cây.

Ngày 14-11-2019, UBND TP Sa Đéc có văn bản trả lời thể hiện sự chia sẻ về những khó khăn của các hộ dân liên quan đến cây da cổ thụ bị nghiêng. Để đảm bảo an toàn của người dân, UBND TP Sa Đéc đã triển khai cắt tỉa, cân chỉnh cây. Sau đó, chính quyền sẽ vận động bà con tháo dỡ các công trình lân cận để tạo không gian độc lập cho cây phát triển và có cọc chằng néo bảo vệ.

Theo đó, UBND TP Sa Đéc giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với UBND phường 1 lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc bảo tồn cây da để tiến hành giải phóng bồi thường đúng quy định. Sau đó, việc cắt tỉa cây được thực hiện nhưng các hộ dân cho rằng cây da đã bị nghiêng, có thể gãy đổ vì cây đã nghiêng khoảng 40 độ, ngày càng mục rỗng, có thể đổ bất kỳ lúc nào.

Ngoài ông Sa còn có nhiều hộ dân khác cũng bị ảnh hưởng bởi cây da cổ thụ này. Một người sống gần cây da là ông Nguyễn Văn Của nói: “Cây da đã mục bên trong rồi, mỗi lần mưa giông, gió lớn chúng tôi sợ lắm, không biết phải làm sao”.

 

Sống cùng khu, bà Lê Thị Hồng Sen cũng lo lắng: “Bão năm rồi cây da nghiêng thêm nhưng báo chính quyền thì họ chỉ xuống mé nhánh, không đảm bảo an toàn, chúng tôi sống trong hồi hộp”…

Hồi hộp với cây da hơn trăm tuổi bị nghiêng - ảnh 1
Cây da hiện vẫn bị nghiêng dù chính quyền đã cắt tỉa. Ảnh: YẾN CHÂU

Sẽ di dời các hộ dân để bảo tồn cây

Ngày 27-5-2020, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TP Sa Đéc, cho biết cây da này được UBND TP xem là cây cần bảo tồn bởi cây đã có từ rất lâu, gắn liền với sự hình thành và phát triển của đô thị cổ Sa Đéc.

 

Hiện tại, TP Sa Đéc có hai cây cần phải bảo tồn, trong đó có cây da này. Những người dân địa phương từng sinh ra và lớn lên và cả những người dân Sa Đéc sinh sống các nước ngoài cũng đều biết về cây da này. Vì vậy, ubnd TP Sa Đéc bảo tồn cây da như giữ cái hồn của một đô thị cổ xưa.

Ông Tùng cho biết tháng 8-2019, sau cơn bão số 3, cây da bật gốc nghiêng khoảng 10-15 độ thì ubnd TP đã hai lần cắt tỉa cành nhánh nên khả năng đổ, ngã không còn.

Do đây là cây bảo tồn nên UBND TP Sa Đéc quyết tâm giữ lại. UBND TP cũng đã báo cáo cho tỉnh ủy và ủy ban tỉnh về giải pháp bảo tồn cây da. Theo đó, chính quyền sẽ đổi đất có giá trị tương đương để  người dân bị ảnh hưởng bởi cây da an tâm di dời và sinh sống ở chỗ  mới thích hợp. Đồng thời, sau khi di dời những hộ dân, UBND TP sẽ tiến hành neo và chăm sóc cây, đảm bảo không ngã đổ và thuần dưỡng cây thật tốt. “Sắp tới ủy ban sẽ đối thoại với các hộ dân xung quanh cây da để hoán đổi vị trí đất phù hợp” - ông Tùng nói.

Quy định pháp lý liên quan

Điều 17, Điều 22 Nghị định 64/2010 của Chính phủ và Văn bản số 05 ngày 13-9-2018 của Bộ Xây dựng quy định về quản lý cây xanh đô thị thì UBND cấp huyện ban hành danh mục cây bảo tồn trên địa bàn. Các loại cây được bảo tồn phải được thống kê về số lượng, chất lượng, đánh số cây, treo biển tên, lập hồ sơ và phải có chế độ chăm sóc đặc biệt và bảo vệ cho từng cây để phục vụ công tác bảo tồn.

Nếu cây bảo tồn đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn… thì phải chặt hạ, dịch chuyển cây. Việc này phải có giấy phép và UBND cấp tỉnh là cơ quan quy định thẩm quyền cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị (Điều 14 Nghị định 64/2010).

Nếu UBND tp Sa Đéc nhận định cây da vẫn còn khả năng sống và phải bảo tồn thì phải có phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân. Nếu cây da này có nguy cơ gãy đổ, không đảm bảo an toàn thì phải chặt hạ, di dời cây.

Luật sư LÊ DOÃN TUẤN, đoàn Luật sư TP.HCM 

 

YẾN CHÂU