Nghị định 15/2022  quy định chính sách miễn, giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ được Chính phủ ban hành ngày 28-01 và chỉ sau 2 tháng thực hiện đã xuất hiện nhiều vướng mắc.

Cụ thể, khoản 4 Điều 1 Nghị định 15 quy định cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng thì không được giảm thuế.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng việc phải lập hóa đơn riêng đã làm tăng chi phí doanh nghiệp vì đối với cùng một khách hàng  thay vì lập một hóa đơn ghi nhiều thuế suất khác nhau (5%, 8%, 10%) thì doanh nghiệp phải lập hai hóa đơn: một hóa đơn ghi thuế suất 8% và một hóa đơn ghi các thuế suất khác (5%, 10%).

Tại TP.HCM, hệ thống siêu thị Coopmart phản ánh trong một ngày hệ thống sử dụng trên 10.000 hóa đơn điện tử, phần mềm hóa đơn điện tử cho phép tách riêng nhiều thuế suất trên 01 hóa đơn, các siêu thị đã xuất hóa đơn điện tử ghi nhiều mức thuế suất khác nhau nay phải tách riêng thì rất tốn kém chi phí của doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức siêu thị, trung tâm thương mại, các đại lý vận tải biển có phát sinh các khoản thu hộ cước vận tải... cũng gặp những khó khăn tương tự. 

 

Để tháo gỡ vướng mắc này, Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi quy định theo hướng “Trường hợp cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế GTGT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều này”.

Nếu quy định này được thông qua, các doanh nghiệp chỉ cần ghi một hóa đơn, đồng thời phải ghi rõ thuế suất hoặc mức tỷ lệ % tính thuế GTGT được giảm thay vì ghi nhiều hóa đơn như hiện nay.