Cả nước đang vật lộn với đợt bùng phát đại dịch COVID-19 mới; nhiều tỉnh, thành đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch. Vậy mà vẫn có trường hợp nhân việc này để đầu cơ hoặc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, gây “tác động kép” đến sự khó khăn của người dân giữa mùa dịch…

Là người dân ở quận Gò Vấp (TP.HCM), đây là lần thứ hai tôi chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vì đã có “kinh nghiệm” nên gia đình tôi không gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị một ít thực phẩm và sắp xếp các công việc cần thiết. Tuy nhiên, với việc áp dụng Chỉ thị 16 trên khắp các tỉnh, thành phía Nam như chỉ thị của Thủ tướng, nghe thông tin số ca nhiễm ở TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai tăng cao hằng ngày, tôi biết việc chống dịch sẽ còn gian nan lắm.

Bạn tôi nhắn tin bảo gia đình bạn ấy đang là F1, do có một đồng nghiệp là F0. Bạn bất an vì chưa biết sẽ bị cách ly ra sao và quan trọng hơn, bạn lo lắng không biết phải dự trữ thực phẩm trong 14 ngày tới cho gia đình như thế nào. Tâm lý lo lắng này không phải chỉ mình bạn tôi và đó cũng là điều bình thường.

Còn nhớ những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 lần thứ nhất vào năm trước, cả khu phố tôi ai nấy mang theo danh sách dài những thực phẩm cần mua khi đi siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Đến nơi ai cũng cố gắng mua hết những gì còn sót lại trên các quầy hàng.

Lần này không đến nỗi “căng đét” như thế nhưng vẫn có tình trạng nhiều người ráng mua nhiều, mua quá nhu cầu trong khi chính quyền công khai bảo đảm cung ứng hàng thiết yếu, thực phẩm…

Tất nhiên, có lúc việc vận chuyển hàng hóa từ nơi có nguồn cung đến nơi tiêu thụ (trong đó có TP.HCM) trục trặc, dẫn đến tình trạng nhiều mặt hàng (nhất là những mặt hàng thiết yếu) có hiện tượng thiếu hụt cục bộ. Từ đó, trên thực tế đã có nhiều mặt hàng bắt đầu tăng giá cả ở chợ, siêu thị và những người bán lẻ...

Phía người bán, không loại trừ việc một số nơi ghim hàng, làm giá; phía người mua, không ít người vào siêu thị mua hàng (nhất là trứng gà, vịt) rồi mang ra ngoài bán giá cao.

Nghịch lý đã xảy ra khi rau xanh quý như vàng. Thứ để nhiều người tự trào khi “khoe” trên mạng xã hội là nhà nào còn bao nhiêu quả ớt, trái chanh, bó rau, nhà nào “đại gia” đến mức còn cả một… bó hành.

 

Chuyện mua hàng bình ổn giá để bán lại với giá cao là hành vi đầu cơ, bị pháp luật nghiêm cấm và chế tài nặng. Đầu cơ không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng do biến động giá cả mà còn làm cho hoạt động của thị trường (nhất là trong bối cảnh thiên tai địch họa) căng thẳng, mất ổn định, gây khó khăn cho việc điều tiết của Nhà nước.

Tùy mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi đầu cơ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự. Mức phạt hành chính đối với hành vi này là từ 5 triệu đến 100 triệu đồng, tùy theo giá trị hóa đơn gom hàng để bán trục lợi. Trường hợp giá trị hàng hóa, mức thu lợi bất chính lớn thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự với hình phạt lên đến 15 năm tù.

Đối với hành vi tăng giá bất hợp lý, tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 13 Nghị định 109/2013 với mức phạt lên tới 50 triệu đồng…

Nên nhớ khi luận bàn về sự ra đời của nhà nước và pháp luật, Democritus (một triết gia Hy Lạp cổ đại) cho rằng “sự tự do của công dân chính là sự tuân thủ pháp luật”.

Vào lúc này, tuân thủ pháp luật là cách để chúng ta đóng góp công sức cho Chính phủ trong hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời cũng là tự giúp cộng đồng hạn chế kéo dài thời gian giãn cách xã hội, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.

Nhìn hình ảnh những người mặc áo bảo hộ, choàng vai nhau trên thùng xe bán tải để vượt qua cơn mưa đêm, chúng ta ai cũng rưng rưng xúc động trước sự hy sinh cao cả của đội ngũ phòng chống dịch. Vì vậy, mỗi người chúng ta càng phải chung tay, đồng sức, đồng lòng để đẩy lùi dịch bệnh.

Xin đừng vì chút tư lợi mà gây thêm áp lực quản lý cho các cơ quan nhà nước, đừng vì lợi nhuận mà góp phần đẩy giá khiến cuộc sống vốn đang khó khăn lại càng khó khăn hơn của đồng bào mình.