Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục Sơn La vẫn nói mình vô tội
(PL)- Cựu phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La thì khẳng định không đưa hối lộ 1 tỉ đồng và đề nghị tòa tuyên mình vô tội.
 

Ngày 26-5, sau gần một tuần làm việc liên tục, phiên tòa xét xử vụ gian lận điểm của TAND tỉnh Sơn La kết thúc phần tranh luận. Trước khi HĐXX nghị án và tuyên án vào ngày 29-5 tới đây, các bị cáo được nói lời sau cùng.

“Nếu không làm sẽ không tồn tại được”

Trước bục khai báo, Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng khảo thí) thừa nhận hành vi của mình là sai trái, làm ảnh hưởng đến kỳ thi. Bị cáo nhấn mạnh việc mình đã thành khẩn khai báo, quá trình công tác đạt nhiều thành tích.

Bị cáo là người trực tiếp tham gia tổ chấm thi, khi được cấp trên bố trí, sắp xếp đã thực hiện hành vi sửa bài, nâng điểm. “Nếu không làm thì sẽ không tồn tại được” - nữ bị cáo trình bày và mong HĐXX cho hưởng sự khoan hồng.      

Đến lượt mình, Lò Văn Huynh (cựu trưởng phòng khảo thí) bày tỏ sự hối hận, cho biết quá trình điều tra đã thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong công tác... Bị cáo mong HĐXX tuyên mức án nhẹ hơn đề nghị của đại diện VKS.

Trong khi đó, Nguyễn Minh Khoa (cựu phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, công an tỉnh) cho rằng vì nể nang tình cảm đồng nghiệp và bạn bè, bị cáo đã nhận lời nhờ người khác xem điểm cho các thí sinh (TS). Vụ án xảy ra, bị cáo nhận thức đây là việc làm sai phạm. “Hành vi đó còn làm mất uy tín của ngành, của Công an tỉnh Sơn La” - bị cáo nói.

Cựu thượng tá công an cũng trình bày về hoàn cảnh gia đình khi cha mắc bệnh ung thư, mẹ vừa mất và khẳng định mình không hối lộ 1 tỉ đồng cho Lò Văn Huynh, đề nghị HĐXX tuyên vô tội và trả tự do tại tòa.

Cựu phó giám đốc Sở Giáo dục Sơn La vẫn nói mình vô tội - ảnh 1
Các bị cáo trong vụ gian lận điểm ở Sơn La. Ảnh: TP

Bị cáo lưu ý tòa “đừng vì sức ép dư luận”

Là người bị cáo buộc có vai trò chính, Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT) thừa nhận đã làm ảnh hưởng uy tín ngành giáo dục, làm mất cơ hội của nhiều TS.

“Bị cáo sốc và hoảng loạn tinh thần trong thời gian dài. Bị cáo đã tự làm mất uy tín của bản thân” - bị cáo nói, đồng thời khẳng định không chỉ đạo hay tác động đến bất kỳ ai để làm trái quy định.

Cựu phó giám đốc sở mong “HĐXX không vì sức ép của dư luận hay sức ép nào khác, đánh giá chứng cứ khách quan để tuyên bị cáo không phạm tội”.

Trước đó, trong phần tranh luận buổi sáng, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến đưa ra nhiều căn cứ để đề nghị cơ quan tố tụng rút cáo buộc đối với thân chủ của mình.

Ông Yến bị đề nghị 7-8 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Suốt quá trình xét xử, ông không thừa nhận phạm tội, bác bỏ hầu hết các lập luận của đại diện VKS.

 

Truy trách nhiệm cựu giám đốc sở

Đáng chú ý, luật sư đề nghị VKS làm rõ vai trò của ông Hoàng Tiến Đức (cựu giám đốc Sở GD&ĐT) trong vụ án, làm rõ ông Đức đưa danh sách các TS cho ông Yến để nhờ nâng điểm hay xem điểm.

Luật sư cho rằng ông Yến cùng các cấp dưới bị truy tố, xét xử vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhờ nâng điểm, vậy trách nhiệm của ông Đức với tư cách là người đứng đầu sở, trưởng ban chấm thi, là cấp trên của tất cả bị cáo tới đâu? Vì sao ông Đức vô can và không được triệu tập đến tòa để đối chất?

Theo hồ sơ vụ án, ngày 28-6-2018, bị cáo Yến nhận thông tin của tám TS từ ông Đức để nâng điểm. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cho rằng kết quả điều tra không đủ căn cứ chứng minh động cơ vụ lợi nên không quy kết trách nhiệm hình sự đối với ông Đức.

Quá trình xét xử, ông Yến nhiều lần khẳng định vì nể nang ông Đức có lời nhờ nên mới chuyển thông tin các TS cho Nguyễn Thị Hồng Nga.

Tháng 6-2019, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ trong Đảng đối với ông Đức.

Theo Ban Bí thư, ông Đức đã thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều cán bộ vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng; một số cán bộ bị khởi tố, điều tra, xử lý hình sự. Vi phạm, khuyết điểm của ông Đức là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và cá nhân ông…

Tại phiên tòa hồi tháng 10-2019 (tuyên trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung) và cả phiên tòa lần này, dù được triệu tập với tư cách người làm chứng nhưng ông Đức đều vắng mặt. Theo thông báo của HĐXX, cựu giám đốc Sở GD&ĐT đang phải điều trị bệnh.

Mức án VKS đề nghị với các bị cáo

Ở tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, VKS đề nghị tòa phạt bị cáo Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT) 7-8 năm tù, Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng khảo thí) 2-3 năm tù, Đặng Hữu Thủy (cựu hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu) 6-7 năm tù, Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn (hai cựu cán bộ Công an tỉnh Sơn La) lần lượt 5-6 năm tù và 2-3 năm tù.

Ở tội đưa hối lộ, VKS đề nghị phạt Hoàng Thị Thành (cựu chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) 2-3 năm tù, Trần Văn Điện (cựu cán bộ giáo dục) 12-13 năm tù, Lò Thị Trường (lao động tự do) 2-3 năm tù và Nguyễn Minh Khoa 12-13 năm tù.

Bị cáo Lò Văn Huynh bị đề nghị 23-25 năm tù, Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng chính trị tư tưởng) 9-11 năm tù, Nguyễn Thị Hồng Nga 23-25 năm tù, cùng về hai tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và nhận hối lộ. 

 

TUYẾN PHAN