Án đụng trần và các khả năng khi áp dụng Điều 404 BLTTHS 2015
(PL)- Nhiều người lo ngại Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao khó thay đổi phán quyết trước đó của mình, song nếu có căn cứ pháp luật, chúng ta hoàn toàn tin vào sự công tâm, khách quan của các vị quan tòa.
 

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu về lịch sử hình thành Điều 404 BLTTHS 2015 cùng những đánh giá về tính ưu việt của thủ tục xem xét lại quyết định (giám đốc thẩm hoặc tái thẩm) của Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND Tối cao. Ở số báo này, chúng tôi xin giới thiệu cách thức vận hành, áp dụng và các khả năng khi áp dụng thủ tục đặc biệt này.

Thủ tục xem xét lại yêu cầu, kiến nghị và đề nghị

BLTTHS 2015 dành hẳn một chương (chương XXVII) với chín điều luật để quy định về thủ tục xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao.

Theo khoản 1 Điều 404 BLTTHS 2015, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị xem xét lại quyết định của HĐTP TAND Tối cao là Ủy ban Thường vụ Quốc hội (quyền yêu cầu), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, viện trưởng VKSND Tối cao (quyền kiến nghị) và chánh án TAND Tối cao (quyền đề nghị). Cũng theo khoản 1 điều này, căn cứ để yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị xem xét lại là “khi có căn cứ xác định quyết định của HĐTP TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTP TAND Tối cao không biết được khi ra quyết định đó”.

Theo đó, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì HĐTP TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định trước đó của mình, đồng thời ra một trong bốn quyết định theo khoản 2 Điều 411 BLTTHS 2015 (xem ảnh).

Còn với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp và viện trưởng VKSND Tối cao hoặc đề nghị của chánh án TAND Tối cao, HĐTP TAND Tối cao sẽ mở phiên họp xem xét kiến nghị hoặc đề nghị đó. Khi đó, HĐTP sẽ biểu quyết và cho ra kết quả “nhất trí” hoặc “không nhất trí” với kiến nghị, đề nghị đó. Nếu “nhất trí”, sau đó HĐTP TAND Tối cao sẽ mở phiên họp xem xét lại quyết định trước đó của chính mình, đồng thời ra một trong bốn quyết định quy định tại khoản 2 Điều 411 BLTTHS nói trên.

Trường hợp không đồng ý với kết quả xem xét kiến nghị, đề nghị, các cơ quan kiến nghị và đề nghị có quyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định…

QUY TRÌNH XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TAND TỐI CAO

Quy trình (1)

 

Án đụng trần và các khả năng khi áp dụng Điều 404 BLTTHS 2015 - ảnh 1
Quy trình (2)

Án đụng trần và các khả năng khi áp dụng Điều 404 BLTTHS 2015 - ảnh 2

 

Có 3/4 khả năng thay đổi phán quyết trước đó

Vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm là khi mở phiên họp xem xét lại quyết định trước đó của mình, liệu HĐTP TAND Tối cao có thay đổi quan điểm không. Thực ra đây là vấn đề đã được BLTTHS 2015 dự liệu khá rõ, chỉ có điều nó hiếm khi xảy ra (trên thực tế đến nay chưa có vụ án nào được xem xét lại bằng thủ tục này) nên nhiều người dễ có cảm giác rằng HĐTP TAND Tối cao khó có thể thay đổi quan điểm.

Thật vậy, theo khoản 2 Điều 414 BLTTHS 2015, tại phiên họp xem xét lại quyết định của mình, sau khi nghe chánh án TAND Tối cao báo cáo, nghe ý kiến của viện trưởng VKSND Tối cao, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự (nếu có), HĐTP TAND Tối cao sẽ đưa ra một trong bốn quyết định:

Thứ nhất, không chấp nhận yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, viện trưởng VKSND Tối cao, đề nghị của chánh án TAND Tối cao và giữ nguyên quyết định của HĐTP.

Thứ hai, hủy quyết định của HĐTP TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật và quyết định về nội dung vụ án.

Thứ ba, hủy quyết định của HĐTP TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, hủy quyết định của HĐTP TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Như vậy, có thể thấy trong bốn khả năng nói trên, có đến ba khả năng HĐTP TAND Tối cao chấp nhận yêu cầu hay kiến nghị, đề nghị và chỉ có một khả năng còn lại là không chấp nhận.

Đúng là chuyện thay đổi quan điểm, sửa lại phán quyết trước đó của mình là một việc làm không dễ. Tuy nhiên, nếu HĐTP thấy rằng phán quyết trước đó của mình chưa thuyết phục do tại thời điểm đó không phát hiện ra tình tiết quan trọng, nay mới phát hiện ra... thì với tinh thần công tâm, khách quan của mình, HĐTP hoàn toàn có thể thay đổi quan điểm.

Ở góc độ lý luận, nhiều ý kiến cho rằng xuất phát từ chuyện án “đụng trần” nhưng vẫn còn sai sót, thủ tục đặc biệt đã ra đời để sửa chữa, khắc phục. Vì vậy, đây là thủ tục cần thiết để các quan tòa có cơ hội sửa sai, đồng thời ra phán quyết mới công bằng, đúng pháp luật, tiệm cận với công lý. Đó chính là sứ mệnh thiêng liêng, cao quý mà nhân dân và Nhà nước đã trao cho họ - những vị quan tòa tối cao của cơ quan xét xử cao nhất nước CHXHCN Việt Nam.

NGUYỄN THANH TÙNG